Trại nấm lớn nhất Tây Nguyên không bỏ đi thứ gì

Trại nấm lớn nhất Tây Nguyên không bỏ đi thứ gì

Trang trại nấm OCOP 4 sao đầu tiên tại Đắk Lắk được trồng hữu cơ, các phôi nấm sau khi thu hoạch được ủ làm phân bón cho cây trồng theo mô hình tuần hoàn.

Trang trại của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có diện 5ha, trong đó có 6.000m2 làm nhà trồng nấm. Đây được xem là trang trại nấm lớn nhất Tây Nguyên hiện nay. Đặc biệt, doanh nghiệp này vận hành theo mô hình tuần hoàn, tất cả phôi nấm sau khi thu hoạch được ủ làm phân hữu cơ bón cho vườn cây trồng xung quanh.

Nấm OCOP 4 sao đầu tiên tại Đắk Lắk

Phóng viên đến trang trại nấm của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng Mô đúng lúc công nhân đang gấp rút xếp hàng nghìn phôi nấm để giao cho Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng chuyển giao cho người dân.

Theo ông Đoàn Xuân Trường, Giám đốc Công ty, ngoài trồng nấm để cung cấp thực phẩm, doanh nghiệp còn chuyển giao phôi nấm cho các địa phương.

Nấm vân chi được trồng nghịch vụ phát triển tốt và cho năng suất cao tại trang trại. Ảnh: Quang Yên.

Nấm vân chi được trồng nghịch vụ phát triển tốt và cho năng suất cao tại trang trại. Ảnh: Quang Yên.

Trước khi triển khai xây dựng mô hình trồng nấm vào năm 2020, doanh nghiệp đã chủ động tìm đến Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn.

Sau khi được tư vấn, doanh nghiệp đã đầu tư 6 nhà nuôi trồng nấm. Để nấm phát triển tốt, cho năng suất cao, các nhà nấm đều được đầu tư hệ thống tưới phun sương, lưới chắn côn trùng khép kín. Đặc biệt, thiết bị sấy nấm năng lượng mặt trời sử dụng công nghệ sấy khí nóng đối lưu, nhiệt độ sấy duy trì ổn định, giúp giữ nguyên hàm lượng dược chất có trong nấm.

Theo ông Trường, doanh nghiệp mong muốn cung cấp cho thị trường những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tối ưu, mang lại sự hài lòng cho khách hàng ở mức độ cao nhất nên đã đầu tư bài bản. Đây được xem là một trong những mô hình đầu tiên được triển khai với quy mô lớn, kỹ thuật bài bản tại tỉnh Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên, có kết hợp giữa sản xuất thực phẩm sạch và năng lượng sạch.

“Mô hình trồng nấm của công ty đầu tư hệ thống nhà xưởng bài bản với quy trình sản xuất được thiết kế một chiều, thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra được tách biệt, đảm bảo môi trường sạch cho nấm sinh sôi, không bị nhiễm bệnh.

Nguyên liệu làm nấm được lấy từ mùn cây cao su. Khu xử lý nguyên liệu diện tích 1.000m2 được trang bị máy xúc lật, xe nâng xử lý mùn cưa. Khu vực sản xuất và phòng nhân giống nấm thương phẩm của công ty có công suất 1.000kg giống/tháng", ông Trường cho biết.

Theo ông Trường, khu vực sản xuất phôi nấm cũng được đầu tư trang thiết bị hiện đại như lò hơi điện, hệ thống buồng hấp phôi nấm, hệ thống máy đóng phôi nấm... nhằm đảm bảo công suất sản xuất từ 1,6 - 2 triệu phôi nấm/năm.

"Khu vực nhà ươm sợi có hệ thống quạt đối lưu không khí, hệ thống lưới chắn côn trùng, đảm bảo nhiệt độ luôn mát mẻ và khô thoáng. Công ty còn đảm bảo sản xuất và cung ứng nguồn giống nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi, nấm vân chi… chất lượng cao cho các đơn vị trồng nấm trên địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh xung quanh”, ông Trường chia sẻ.

Nấm linh chi - một trong 2 sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng. Ảnh: Quang Yên.

Nấm linh chi - một trong 2 sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng. Ảnh: Quang Yên.

Hiện tại, Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng trồng các loại nấm như linh chi, vân chi, đầu khỉ, nấm mèo, bào ngư… Các sản phẩm của công ty cũng đã đạt chứng nhận ISO 22.000 và VietGAP. Đặc biệt, năm 2022, nấm mèo và nấm linh chi của công ty đã được công nhận OCOP 4 sao, nấm bào ngư và nấm sò được chứng nhận OCOP 3 sao.

“Khí hậu Tây Nguyên có thể trồng nấm quanh năm. Tuy nhiên đối với nghịch vụ thì năng suất sẽ thấp hơn. Mô hình được trồng bán tự nhiên. Mỗi năm nấm linh chi có sản lượng từ 3 - 5 tấn; vân chi 2 - 3 tấn; nấm ăn từ 40 - 50 tấn.

Hiện nay đầu ra các sản phẩm nấm ăn không đủ cung ứng cho thị trường. Đối với nấm dược liệu, hiện công ty đang phân phối cho các địa phương trong cả nước. Doanh nghiệp đang nghiên cứu để hướng đến chế biến sâu các sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và giúp người tiêu dùng tiện lợi hơn”, ông Trường nói thêm.

Không bỏ đi thứ gì

Để có sản phẩm quanh năm cung cấp cho thị trường, Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng đang trồng thử nghiệm nghịch vụ nấm vân chi, nấm mèo và nấm đầu khỉ. Đây là những loại nấm cho giá trị và dinh dưỡng cao, nhu cầu thị trường lớn. Việc trồng thử nghiệm trái vụ vào mùa khô nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác khi có yêu cầu.

Để thuận lợi và nâng cao năng suất, trang trại của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng được cơ giới hóa và sử dụng các hệ thống tự động, được quản lý bằng phần mềm cài đặt trên điện thoại từ đầu vào đến đầu ra.

Nấm linh chi được trồng tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng. Ảnh: Quang Yên.

Nấm linh chi được trồng tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng. Ảnh: Quang Yên.

Nhờ được đầu tư bài bản về nhà xưởng, công nghệ và kỹ thuật, mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời của doanh nghiệp này đã đi vào hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, mô hình đã cho lợi ích kép vì vừa có nguồn thu từ điện năng, vừa có nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng.

Doanh thu từ nấm mang về cho công ty từ 3 - 5 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, doang nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trường cho biết, các sản phẩm của doanh nghiệp hướng theo sản phẩm xanh, tuần hoàn. Các phôi nấm sau khi thu hoạch sẽ được ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng trong trang trại.

Trang trai hiện đang trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, cam, quýt… Việc sử dụng phôi nấm làm phân hữu cơ đã giúp cho doanh nghiệp giảm được lượng lớn phân bón. Việc này giúp tiết kiệm chi phí và hướng đến một nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái và bền vững.

Hiện nay, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện các chứng nhận sản phẩm xanh và nông nghiệp tuần hoàn. Trang trại sử dụng điện mặt trời bên trên, tất cả máy móc đều sử dụng nguồn điện năng lượng này. 

Các phôi nấm sau khi thu hoạch được doanh nghiệp ủ thành phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái xung quanh theo mô hình tuần hoàn. Ảnh: Quang Yên.

Các phôi nấm sau khi thu hoạch được doanh nghiệp ủ thành phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái xung quanh theo mô hình tuần hoàn. Ảnh: Quang Yên.

"Một số nơi có nền nông nghiệp phát triển đều gắn chặt với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Việc áp dụng công nghệ cao nhằm thay đổi tư duy làm nông nghiệp, đem đến những sản phẩm an toàn cho người dân. Do đó, doanh nghiệp tận dụng tất cả đầu vào đến đầu ra, không bỏ một thứ gì”, ông Trường nói.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng đã đăng ký với cơ quan chức năng để trang trại trở thành điểm tham quan du lịch nông nghiệp tại địa phương. Doanh nghiệp này cũng đang tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất cũng như các tiêu chuẩn để được cấp phép trở thành mô hình du lịch nông nghiệp đầu tiên của Đắk Lắk. Hiện công ty cũng đã xây dựng mô hình tham quan. Doanh nghiệp đã được các hợp tác xã nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Đang xem: Trại nấm lớn nhất Tây Nguyên không bỏ đi thứ gì

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng